1. Cục kê bê tông là gì?
Cục kê bê tông còn được gọi là con kê bê tông, con kê thép sàn là một loại vật liệu làm bằng bê tông có nhiều hình dạng khác nhau, giữ vai trò định vị và cố định hệ sàn thép đúng vị trí thiết kế với cốt pha để chuẩn bị cho việc đổ bê tông cốt thép sàn, dầm, cột, móng, vách. Chúng được đúc sẵn theo từng loại khuôn con kê bê tông từ các thành phần nguyên liệu như cát, xi măng, nước và một số phụ gia bê tông.
Số lượng, chủng loại và chất lượng cục kê được tham khảo từ tiêu chuẩn và bản vẽ kỹ thuật chi tiết của từng công trình cụ thể nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 5574: 2012
Việc tạo ra lớp bảo vệ cho cốt thép là yêu cầu bắt buộc vì các lý do sau:
- Bảo vệ cốt thép không bị xâm thực bởi môi trường bên ngoài
- Đảm bảo đồng nhất với bê tông trong kết cấu
- Bảo vệ thép không bị chảy khi cháy
- Đảm bảo cốt thép đặt đúng theo bản vẽ thiết kế
Chiều dày lớp bê tông bảo vệ cần được lấy không nhỏ hơn đường kính cốt thép hoặc dây cáp. Chi tiết về cách bố trí các loại cục kê theo kích thước như sau:
2. Tiêu chuẩn bố trí con kê bê tông theo kích thước
2.1. Đối với bản và tường
- Chiều dày lớp bê tông từ 100 mm trở xuống: sử dụng cục kê bê tông dày 10 mm
- Chiều dày lớp bê tông trên 100 mm: sử dụng cục kê bê tông dày 15 mm
2.2. Đối với dầm và dầm sườn
- Chiều cao lớp bê tông nhỏ hơn 250 mm: sử dụng cục kê bê tông dày 15 mm
- Chiều cao lớp bê tông lớn hơn hoặc bằng 250 mm: sử dụng cục kê bê tông dày 20 mm
2.3. Đối với cột
Sử dụng cục kê bê tông dày 20 mm
2.4. Đối với dầm móng
- Lắp ghép: sử dụng cục kê bê tông dày 30 mm
- Toàn khối khi có lớp bê tông lót: sử dụng cục kê bê tông dày 35 mm
- Toàn khối khi không có lớp bê tông lót: sử dụng cục kê dày 70 mm
Khoảng cách viên kê bố trí không quá 1m, bố trí thích hợp để cốt thép không chuyển vị khi thi công và đổ bê tông.
Tìm hiểu thêm: 6 ưu điểm để ưu tiên chọn ván ép coppha phủ phim trong xây dựng
3. Tiêu chuẩn bố trí con kê bê tông theo số lượng
Tiêu chuẩn sử dụng có thể được tóm gọn như sau:
- Sàn / dầm : 4 – 5 viên / m2
- Cột / đà : 5 – 6 viên / m2
- Chiều dày lớp bê tông bảo vệ (chiều cao cục kê) không được nhỏ hơn đường kính lớn nhất của thép sử dụng tại vị trí đó. (chi tiết tìm hiểu thêm tài liệu Tiêu Chuẩn Quốc Gia TCVN 9346:2012 – Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép – tiêu chuẩn thiết kế)
- Chiều cao cục kê bê tông phổ biến cho công trình dân dụng: 15mm – 20mm – 25mm – 30mm
- Chiều cao cục kê bê tông cho hệ dầm – móng: 50 mm – 55mm – 60mm – 65 – 70mm – 75mm – 80mm – 90mm – 100mm
- Chiều cao cục kê bê tông cho hệ bồ trụ, lanh tô, vách…: 25mm – 35mm – 45mm – 50mm
Cách đơn giản nhất để xem
- Theo tiêu chuẩn, chất lượng bê tông của cục kê phải bằng hoặc cao hơn chất lượng bê tông dùng để đổ sàn / dầm đó. Ví dụ: Đổ bê tông sàn M350, cục kê bê tông ít nhất phải M350 hoặc cao hơn. Với cục kê tự đúc tại công trình, đa phần chỉ trộn xi măng cát nên độ sụt lớn, mác bê tông thấp, trung bình M200- M250 và kích thước không đạt chuẩn yêu cầu như cục kê được sản xuất mác cao đúc sẵn ở nhà máy.
- Với công trình dân dụng, gia chủ có thể tự kiểm tra được công trình của mình có đảm bảo không bằng cách xác định tổng độ cao của khối bê tông sẽ được đổ, thép chỉ là 01 lớp hay 02 lớp. Nếu 01 lớp thép thì đảm bảo lớp thép đó nằm chính giữa khối bê tông là tốt nhất. Trường hợp 02 lớp thép thì chiều dày lớp bảo vệ phía dưới và phía trên tốt nhất là bằng nhau.
Ví dụ: Đổ sàn 120mm, có 02 lớp thép. Đường kính thép 10mm. Khoảng cách 2 lớp thép là 50mm. Như vậy, cách tốt nhất là dùng cục kê sàn 25mm. Tính nhẩm có thể thấy: 120mm = 25mm (độ dày lớp dưới sàn) + 10mm ( thép 1) + 50mm (khoảng cách) + 10mm (thép 2) + 25mm (độ dày lớp bê tông ở trên).